DƯỢC VỊ:

Ngưu Bàng Tử (Thử niêm tử)

TÊN KHÁC

Ác thực (Biệt lục) , Thử niêm tử (Bản thảo đồ kinh) , Nhu niêm tử (Trân châu nang) , Đại lực tử (Vệ sinh dị giản phương) , Biển bức thích (Bản thảo cương mục) , Mao nhiên nhiên tử, Hắc phong tử (Thanh hải dược tài) , Mao trĩ tử (Quý Châu dân gian phương dược tập) , Niêm xương tử (Liêu Ninh chủ yếu dược tài) , Thử tiêm tử, Loan ba câu tử, Vạn ba câu (Giang tô thực dược chí) , Đại ngưu tử (Sơn Tây trung dược chí) , Ngưu tử (Thiểm Tây trung dược chí) .

DƯỢC LÝ

Tác dụng kháng khuẩn: Thuốc ngâm hạt Ngưu bàng (l/2) trong ống nghiệm đối với nhiều loại nấm gây bệnh, có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau (Trung Dược Học) . Tác dụng hạ đường huyết: Dịch chiết Ngưu bàng có tác dụng hạ đường huyết rõ mà còn kéo dài được lâu đối với chuột lớn (Trung Dược Học) . Tác dụng của glucoside Ngưu bàng (arctiin) có thể gây nên co thắt đối với ếch, chuột con, thỏ: hô hấp yếu đi, không cử động được, cuối cùng dẫn đến trạng thái tê, mất cảm giác. Đối với chi dưới của ếch cũng như mạch máu tai của thỏ thấy có tác dụng giãn nở. Có thể hạ huyết áp của thỏ trong thời gian ngắn. Đối với tử cung thỏ nhà đã mổ tách ra thì thấy có tác dụng ức chế hoặc gây tê.

ĐƠN THUỐC THAM KHẢO

Trị nước miếng chảy ra nhiều, họng và ngực không thông: Ngưu bàng tử (sao sơ), Bông kinh giới đều 30g, Cam thảo (nướng) 15g, tán nhỏ, uống 6g với nước nóng, sau bữa ăn (Bản thảo diễn nghĩa).

Trị họng sưng đau: Ngưu bàng tử 1,8g, Mã lan tử 2,4g. Tán bột, mỗi lần uống 4g với nước ấm, lúc đói, dần dần tăng lên 6g, ngày 2 lần (Quảng tế phương).

Trị họng bị nghẹt do phong nhiệt, phù thũng: Ngưu bàng tử 1 hợp, nửa sống nửa chín, tán bột, mỗi lần uống 2g với rượu nóng (Kinh nghiệm phương).

Trị phong nhiệt trú ở cơ thể, công lên thượng tiêu, gây nên chứng huyền ung sưng đau: Ác thực (sao), Cam thảo (sống) đều 1 lạng. Tán bột, mỗi lần dùng 2g, sắc với 1 chén nước còn 6 phân, ngậm rồi nuốt dần xuống (Khai quan tán – Phổ tế phương).

Trị sởi không mọc ra hết: Ngưu bàng tử (nghiền nhỏ) 15g, lấy Liễu xanh sắc nước, uống thuốc thì ban sẽ mọc ra hết ngay (Bản thảo hối ngôn).

Trị da có phong nhiệt, khắp người nổi ẩn chẩn: Ngưu bàng tử, Phù bình, lượng bằng nhau, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước sắc Bạc hà (Dưỡng sinh tất dụng phương).

Trị phong sưng ban độc gây ngứa: Ngưu bàng tử, Huyền sâm, Cương tàm, Bạc hà, đều 15g, gán bột. Mỗi lần uống 9g với nước sôi (Phương mạch chính tông).
Trị đờm quyết, đầu đau: Tuyền phúc hoa 30g, Ngưu bàng tử (sao qua) 30g. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 3g với nước trà xanh (Thánh huệ phương).

Trị đầu đau lan đến mắt, mắt mờ không nhìn rõ: Ngưu bàng tử, Thương nhĩ tử, Cam cúc hoa, đều 9g. Sắc uống (Phương mạch chính tông).

Trị phong nhiệt sinh ra đau các khớp, ngón tay sưng đỏ, tê, ngứa, nặng hơn thì công lên vai lưng, hai đầu gối. Gặp lúc trời nắng nóng, hoặc đại tiện bí thì bệnh nặng hơn: Ngưu bàng tử (sao cách giấy) 90g, Đậu xị mới (sao) 30g, Can sinh địa 75g, Hoàng kỳ (nướng mật) 30g, Khương hoạt 30g. Tán bột, mỗi lần uống 6g với nước, lúc đói, trước bữa ăn, ngày 3 lần (Ngưu bàng tử tán – Bản sự phương).

Trị đầu mặt bị phong nhiệt hoặc cổ gáy có đờm độc, răng đau do phong nhiệt: Ngưu bàng tử, Bạc hà, Kinh giới, Sơn chi, Đan bì, Thạch hộc, Nguyên sâm, Hạ khô thảo. Sắc uống (Ngưu bàng giải cơ thang - Đăng khoa tâm đắc tập).

Trị răng đau do phong: Ngưu bàng tử (sao), sắc nước ngậm, nhổ thuốc đi (Diên niên phương).

Trị suy nhũ (áp xe vú): Thử niêm tử, thêm Xạ, rượu, nuốt xuống (Tụ trân phương).

Trị tiêu ra mủ: Thử niêm tử 9g (sao), tán bột, thêm 1 thìa mật, 1 thìa Phác tiêu, uống với rượu ấm, lúc đói (Tụ trân phương).

Trị sởi không mọc ra, phong chẩn, mụn nhọt: Ngưu bàng tử 12g, Kinh giới tuệ 8g, Cát căn 12g, Bạc hà 4g, Liên kiều 12g, Tiền hồ 8g, Cát cánh 8g, Hạnh nhân 12g. Sắc uống (Tân lương thấu chẩn thang – Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

Trị amiđan viêm, họng viêm do phong nhiệt: Ngưu bàng tử 16g, Đại hoàng, Phòng phong đều 12g, Kinh giới tuệ 8g, Bạc hà, Cam thảo đều 4g. Sắc uống (Ngưu bàng thang – Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

Trị ho đờm, suyễn do phong nhiệt: Ngưu bàng tử, Kinh giới đều 12, Cam thảo 4g. Sắc uống (Tiêu độc tán – Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

Trị cảm phong nhiệt, sốt, ớn lạnh, miệng khô, họng ngứa, ho đờm vàng: Ngưu bàng tử 12g, Thuyền thoái, Bạc hà đều 6g. Sắc uống (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

Trị cảm phong nhiệt, sốt, ớn lạnh, miệng khô, họng ngứa, ho đờm vàng: Ngưu bàng tử, Kim ngân hoa đều 12g, Liên kiêù, Kinh giới, Bạc hà đều 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống nóng (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách) .

THAM KHẢO

Ngưu bàng tử vốn tên là Ác thực, Trương Khiết Cổ bảo vị này cay, tính ôn, sách Biệt lục cho là vị cay, tính bình. Theo lâm sàng điều trị thì sách Biệt lục ghi là đúng.
Sức phát tán của Ngưu bàng tử mạnh, nhưng sức thanh nhiệt yếu. Dùng vào lúc phần biểu nhiệt nặng. Sức phát của Ngân hoa yếu, nhưng sức thanh nhiệt mạnh, dùng vào lúc cơ nhục nhiệt nặng (Trung Quốc dược học đại tự điển).

Vị thuốc này cay mà bình, không phải cay mà ôn, cho nên có thể sơ tán phong nhiệt, khác với tân ôn phát tán, giải biểu. Đồng thời trong việc thấu phát lại có thể thanh giải và sơ tiết với những vị thuốc hàn lương thanh giáng khác thì không thể so sánh được, gần với những vị thuốc tân lương giải biểu (Đông dược học thiết yếu) .