DƯỢC VỊ:

Linh Chi

TÊN KHÁC

Nấm Lim

DƯỢC LÝ

Thuốc có tác dụng an thần, làm giảm hưng phấn của thần kinh trung ương. Cồn Linh chi có tác dụng chống co giật do điện, có tác dụng giảm đau (Trung Dược Học).   

Có tác dụng chỉ khái, hóa đờm, bình suyễn, nhưng báo cáo thực nghiệm lại khác nhau (Trung Dược Học).   

Có tác dụng bảo vệ gan, giải độc, hạ đường huyết và chống tác dụng của chất phóng xạ. Có tác dụng bảo vệ dạ dày loét thực nghiệm (Trung Dược Học).   

Có tác dụng cường tim, hạ huyết áp,nâng cao ngưỡng thiếu oxy, giúp cơ tim chịu đựng được trạng thái thiếu máu, hạ Lipid huyết, chống xơ cứng động mạch (Trung Dược Học).   
Lượng Polysaccarid cao có trong Linh chi có tác dụng tăng cường sự miễn dịch của cơ thể, chống tế bào ung thư (Trung Dược Học).   

Thuốc có tác dụng đối với bệnh loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa kéo dài (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).   

Germanium giúp khí huyết lưu thông các tế bào hấp thụ oxy tốt hơn. Acid Ganoderic có tác dụng chống dị ứng và kháng viêm (Những Cây Thuốc Vị Thuốc Việt Nam).   

Trị tâm thần bất an, khí huyết bất túc, suy nhược cơ thể, ho, suyễn.
Hoàng chi: tăng cường hệ thống miễn dịch; Hắc chi trị bí tiểu, sỏi thận, bệnh ở cơ quan bài tiết; Bạch chi trị hen suyễn, ho. Tử chi trị đau nhức gân xương, các khớp (Trung Dược Học).   

Giải độc các loại khuẩn: Linh chi, Cam thảo, Gừng, Táo (Dược Liệu Việt Nam). 

ĐƠN THUỐC THAM KHẢO

Trị xơ cứng bì, viêm da cơ, bệnh Lupus ban đỏ: Dùng Linh chi chế thành dịch, tiêm bắp và viên uống, trị xơ cứng bì 173 ca, tỉ lệ kết quả 79,1%, viêm da cơ 43 ca, có kết quả 78,88% (Thông Tin Nghiên Cứu Y Học 1984, 12: 22).   

Trị suy nhược thần kinh: Bệnh viện Hoa Sơn thuộc viện Y Học số I Thượng Hải báo cáo: Dùng cả 2 loại Linh chi nhân tạo và Linh chi hoang dại, chế thành viên (mỗi viên tương đương 1g thuốc sống), mỗi lần uống 3 viên, ngày 3 lần. Mỗi liệu trình từ 10 ngày đến 2 tháng. Trị 225 ca, tỉ lệ có kết quả 83,5% – 86,3%, nhận xét thuốc có tác dụng an thần, điều tiết chức năng thần kinh thực vật và tăng cường thể lực (Tân Y Học Tạp Chí, số phụ chuyên đề về bệnh hệ thống thần kinh 1976, 3: 140).   

Trị Cholesterol máu cao: Báo cáo của Sở Nghiên cứu kháng khuẩn, tổ công nghiệp Tứ Xuyên, dùng liên tục từ 1–3 tháng trị 120 ca, thuốc có tác dụng hạ Cholesterol huyết rõ, tỉ lệ đạt 86% (Thông Tin Trung Thảo Dược 1973, 1: 31).   

Trị viêm phế quản viêm mạn: Tổ hợp tác nghiên cứu Linh chi tỉnh Quảng Đông báp cáo dùng Sirô Linh chi và đường Linh chi trị 1.100 ca có kết quả và có nhận xét là thuốc có tác dụng đối với thể hen và thể hư hàn (Quảng Đông Y Dược Tạp Chí 1979, 1: 1).   

Trị các bệnh gan mạn tính: Tác giả dùng Polysaccarid Linh chi chiết xuất từ Linh chi hoang dại chế thành thuốc bột hòa nước uống, trị các loại bệnh viêm gan mạn, xơ gan. Trị 367 ca có nhận xét phần lớn triệu chứng chủ quan được cải thiện, men SGPT, SGOT giảm với tỉ lệ 67,7% (Tạp Chí Bệnh Gan Mật 1985, 4: 242).   

Trị chứng giảm bạch cầu: Dùng Polysaccarid Linh chi chế thành viên (mỗi viên có 250mg thuốc sống) cho uống. Theo dõi 165 ca, ghi nhận tỉ lệ có kết quả 72,57% (Lưu Chí Phương, Trung Hoa Tạp Chí Huyết Dịch Bệnh 1985, 7: 428).   

Trị bệnh xơ cứng mạch, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, động mạch vành, đau thắt ngực: Linh chi, Kê huyết đằng, Thạch xương bồ, Đơn bì, Cẩu tích, Đỗ trọng, Thỏ ty tử, Hoàng tinh (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).